Di sản tri thức Nghiêm Phục

Tác phẩm

Thiên diễn luận của Nghiêm Phục

Nghiêm Phục là một trong những học giả tiên phong trong việc giới thiệu các quan điểm xã hội, kinh tế và chính trị của phương Tây đến Trung Quốc. Ông đã dịch một lượng lớn các tác phẩm kinh điển như: Tiến hóa và Đạo đức của Thomas Huxley, Của cải của các quốc gia của Adam Smith, Bàn về tự do của John Stuart Mill và Nghiên cứu Xã hội học của Herbert Spencer.[70] Nỗ lực phiên dịch của Nghiêm Phục có thể nói là chưa từng có trong lịch sử. Những bản dịch trước đây chủ yếu tập trung vào chủ đề công nghệ và tôn giáo, hầu hết đều được dịch bởi những nhà truyền giáo với sự giúp đỡ từ sinh viên Trung Quốc và những bản dịch tiếng Nhật của tác phẩm gốc. Nhưng với những năm du học tại Anh và sự hiểu biết nghiêm túc về nền văn minh phương Tây, Nghiêm Phục đã sử dụng tiếng Trung cổ điển tao nhã để dịch các tác phẩm tiếng Anh về các chủ đề xã hội, triết học và chính trị. Ông không chỉ viết nhiều về các vấn đề hiện tại, mà còn rất sắc sảo và uyên bác trong nỗ lực đánh giá nền văn minh phương Tây và tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển của Trung Quốc.[71]

Năm 1895, Nghiêm Phục bắt đầu xuất bản những bài luận của mình trên Trực báo – một tờ báo Trung Quốc do một người Đức Constantin von Hannecken (1854–1925) thành lập tại Thiên Tân.[56] Liên tiếp 4 bài luận của ông đã gây tiếng vang lớn:[72][73] Luận thế biến chi cấp (論世變之亟; "Về tính cấp thiết của sự thay đổi thế giới") lần lượt được xuất bản trong ngày 4 và 5 tháng 2,[74][75][76] Nguyên cường (原強; "Nguồn gốc sức mạnh") được xuất bản từng phần từ ngày 4 đến ngày 9 tháng 3,[77][78][79] Ích Hàn (辟韓) phản bác tư tưởng của Hàn Dũ được in liên tiếp hai ngày 13 và 14 tháng 3,[79][80][81] và tác phẩm cuối cùng là Cứu vong quyết luận (救亡決論; "Quyết luận cứu nước") được xuất bản rải rác từ đầu tháng 5 đến 16 tháng 6.[74][82][83] Kể từ khi bốn bài luận liên tiếp được xuất bản, nhiều tác phẩm về sau của Trung Quốc không chỉ bị ảnh hưởng bởi Nghiêm Phục mà còn có xu hướng mở rộng phạm vi quan điểm của ông.[84][85]

Sau đó, từ năm 1898 đến năm 1909, Nghiêm Phục tiếp tục dịch các tác phẩm lớn về tư tưởng tự do phương Tây:[86]

Một số bản dịch nổi bật của Nghiêm Phục
Tác phẩm gốcTác phẩm dịchNămNguồn
Tên gốcTạm dịchTác giảTên gốcPhiên âm Hán-ViệtTạm dịch
Evolution and EthicsTiến hóa và Đạo đứcThomas Henry Huxley天演論Thiên diễn luậnVề sự tiến hóa1898[87][88][89]
The Wealth of NationsCủa cải của các quốc giaAdam Smith原富Nguyên phúVề sự giàu có1901–1902[90][91][92]
The Study of SociologyNghiên cứu Xã hội họcHerbert Spencer群學肄言Quần học dị ngônNghiên cứu Xã hội học1902–1903[93][94][95]
On LibertyBàn về tự doJohn Stuart Mill群己權界論Quần kỷ quyền giới luậnVề ranh giới giữa tập thể và bản thân1903[96][97][98]
A History of PoliticsLịch sử Chính trịEdward Jenks社會通詮Xã hội thông thuyênToàn bộ giải thích về xã hội1904[99][100][101]
De l'Esprit des LoisTinh thần pháp luậtMontesquieu法意Pháp ýÝ nghĩa của pháp luật1904–1909[102][103][104]
A System of LogicHệ thống logicJohn Stuart Mill穆勒名學Mục Lặc danh họcLogic học của Mill1905[105][106][107]
Primer of LogicLogic vỡ lòngWilliam Stanley Jevons名學淺說Danh học thiển thuyếtSơ lược về logic học1909[108][109][110]

Lý thuyết phiên dịch

Nghiêm Phục là một dịch giả thời cận đại được tiếp thu nền giáo dục của cả Trung Quốc và phương Tây. Ông được xem là người đầu tiên của Trung Quốc cho ra đời một tiêu chuẩn phiên dịch hoàn chỉnh.[111] Trong lời tựa của Thiên diễn luận, ông đã đưa ra 3 khó khăn khi dịch thuật: "Tín" (信, faithfulness), "Đạt" (达, expressiveness) và "Nhã" (雅, elegance). "Tín" tức trung thành, đòi hỏi nghĩa của ngôn ngữ đích phải trung thành với nghĩa của ngôn ngữ nguồn. Tuy nhiên, nếu bản dịch không thể mạch lạc thì việc dịch thuật cũng trở nên vô nghĩa, đó là lý do "Đạt" cũng cần được ưu tiên. "Đạt" yêu cầu một bản dịch mạch lạc dễ hiểu, không cần tuân theo thứ tự chính xác của các từ và cấu trúc câu trong ngôn ngữ gốc nhưng được tổ chức lại và trau chuốt để tôn trọng các quy tắc của ngôn ngữ đích. Cuối cùng là "Nhã" yêu cầu văn bản dịch cần được trau chuốt về mặt ngôn ngữ, văn phong và từ ngữ cần phải trang nhã.[112]

Sau khi lý thuyết này được công bố đã nhận được sự tiếp nhận và tôn sùng của nhiều học giả. Nhà thơ Úc Đạt Phu (zh; en) xem đấy là "khuôn vàng thước ngọc" của giới dịch thuật; dịch giả nổi tiếng Lâm Ngữ Đường nhận định 3 chữ "tín, đạt, nhã" ẩn hàm nhiều ý kiến, đã từng bình luận kỹ càng về ba nguyên tắc này.[113] Học giả Chu Chí Du từng bình luận, việc Nghiêm Phục công bố thuyết "Tín, đạt, nhã" đã trở thành cuộc cách mạng đầu tiên trong lịch sử dịch thuật Trung Quốc.[114] Không chỉ ở Trung Quốc, lý thuyết dịch thuật của Nghiêm Phục còn có tầm ảnh hưởng lớn đến giới dịch thuật thế giới.[115]

Xã hội học

Bên cạnh việc biên dịch các tác phẩm khoa học phương Tây kinh điển, Nghiêm Phục còn cho ra đời những tác phẩm về xã hội học. Tác phẩm đầu tiên được xuất bản vào năm 1906 mang tên Chính trị giảng nghĩa (政治講義; "Bài giảng Chính trị"). Trong tác phẩm này, ông đã chỉ trích luật tự nhiênthuyết tất định của những nhà triết học như Plato, Rousseau.[116][117][118] Sau hơn 7 năm bỏ thời gian cho những tác phẩm về Logic học, Nghiêm Phục liên tiếp cho ra nhiều tác phẩm khác về xã hội học. Hai tác phẩm Thiên diễn tiến hóa luận (天演進化論; "Thuyết tiến hóa") giới thiệu và bàn luận kỹ về Học thuyết tiến hóa của Darwin,[82][119][120] Thuyết Đảng (說黨; "Nói về Đảng") nêu quan điểm "Đảng không phải điều gì tốt", các mặt lợi, hại của việc 2 Đảng cùng tồn tại, đều được xuất bản trong năm 1913.[121][122][123] Sang năm 1914, ông cho ra mắt tác phẩm Dân ước bình nghị (民約平議) bình luận về Khế ước xã hội của Jean-Jacques Rousseau.[124][125][126] Thông qua những tác phẩm này, một số nhà nghiên cứu đã nhận định ông có xu hướng chỉ trích hệ thống Triết học lục địa (hay Chủ nghĩa duy lý Lục địa) khi liên tiếp nhắm đến các lý thuyết liên quan như luật tự nhiênthuyết tất định.[127]

Dân ước bình nghị có thể xem là tác phẩm tiêu biểu nhất của Nghiêm Phục trong lĩnh vực này. Nghiêm Phục không tán thành "chủ nghĩa hoàn hảo" trong chủ nghĩa duy lý truyền thống; ông thích Chủ nghĩa kinh nghiệm của Anh – Mỹ, khi sự tự do phát triển ra khỏi xã hội cũ. Ông đã chỉ trích lý thuyết Khế ước xã hội của Rousseau bởi sự phụ thuộc vào các nguyên tắc trừu tượng và sự thiếu hiểu biết về kinh nghiệm thực tế cũng như thực tế lịch sử. Trong Thuyết Đảng, ông lên án việc sử dụng luật tự nhiên để đo lường truyền thống vì nó chỉ có thể dẫn đến chủ nghĩa cấp tiến chính trị. Trong Thiên diễn tiến hóa luận, ông lập luận chống lại sự phá hủy cái cũ bởi theo ông, điều đó chắc chắn dẫn đến sự tan rã của cả cái cũ lẫn cái mới. Có thể thấy được, rất lâu trước các nhà trí thức khác của Trung Quốc, Nghiêm Phục đã hiểu được cuộc đấu tranh giữa Chủ nghĩa duy lý Lục địa và Chủ nghĩa kinh nghiệm Anh, sự đối lập giữa các phương pháp suy luận và quy nạp tương ứng của họ, mối liên hệ giữa chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa không tưởng, giữa chủ nghĩa kinh nghiệm và cải cách dần dần.[127]